1.Hóa đơn đặt in là gì?
Hóa đơn đặt in là loại hóa đơn do các tổ chức đặt in theo mẫu để có thể dùng cho hoạt động bán hàng, cung ứng dịch vụ; hoặc trường hợp khác, hóa đơn đặt in sẽ được cơ quan thuế đặt in theo mẫu rồi cấp, bán cho các tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh.
Khái niệm trên về hóa đơn đặt in đã được quy định rất rõ trong Điểm c, Khoản 3, Điều 3, Thông tư 39/2014/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 31/03/2019.
2. Phân biệt hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in và hóa đơn điện tử
Nhiều người vẫn hay nhầm lẫn hóa đơn tự in với hóa đơn đặt in song thực thế, đây lại là hai loại hóa đơn hoàn toàn khác nhau và khác hẳn so với hóa đơn điện tử.
Theo quy định tại Điều 3 của Thông tư 39/2014/TT-BTC, Bộ Tài chính đã công nhận hóa đơn hiện nay được thể hiện theo 03 hình thức cơ bản:
- Hóa đơn đặt in
- Hóa đơn tự in
- Hóa đơn điện tử
Cách phân biệt đơn giản nhất các loại hóa đơn trên chính là dựa vào khái niệm đã được quy định tại Khoản 3, Điều 3, Thông tư 39/2014/TT-BTC.
Theo đó, nếu hóa đơn đặt in là loại hóa đơn do cơ quan thuế đặt in theo mẫu để cấp, bán đơn vị kinh doanh hoặc do các đơn vị kinh doanh tự đặt in theo mẫu để phục vụ cho hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì hóa đơn tự in lại là loại hóa đơn do các đơn vị kinh doanh tự in ra trên các thiết bị tin học, máy tính tiền hoặc các loại máy khác khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Còn đối với hóa đơn điện tử, dù chung mục đích phục vụ cho hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ nhưng đây lại hoàn toàn là loại hóa đơn khác hẳn so với hóa đơn tự in và hóa đơn đặt in, bởi nó không sử dụng tới giấy mà được lập, xuất, lưu trữ hoàn toàn trên các phương tiện điện tử
3. Thời điểm doanh nghiệp phải ngừng sử dụng hóa đơn đặt in theo quy định pháp luật
Không chỉ nhầm lẫn các loại hóa đơn với nhau, nhiều người còn lầm tưởng rằng hóa đơn tự in có thể được sử dụng mãi mãi. Tuy nhiên, điều này không hề đúng. Bởi, theo Thông tư 68/2019/TT-BTC mới ban hành nhất của Bộ Tài chính thì từ ngày 01/11/2020, mọi doanh nghiệp đều phải hoàn thành chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử và chỉ được phép sử dụng duy nhất hóa đơn điện tử,
Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 26, Thông tư 68/2019/TT-BTC, Bộ Tài chính có quy định như sau: “Từ ngày 01 tháng 11 năm 2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư này.”
Như vậy, sau ngày 31/10/2020, tức là từ ngày 1/11/2020, tất cả các doanh nghiệp ở Việt Nam phải ngưng sử dụng hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in và hoàn toàn chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.