Hoá đơn điện tử xu hướng tất yếu

Ngày đăng: 2019-07-28 17:41:28 - Số lần xem: 2758

Hóa đơn điện tử xu hướng tất yếu

Hoá đơn điện tử không phải là một khái niệm mới mẻ trên thế giới. Cách đây 30 năm, hóa đơn điện tử đầu tiên đã được sử dụng trên nền tảng công nghệ trao đổi dữ liệu điện tử EDI (electronic data interchange). Cùng với những bước phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT); một làn sóng số hóa hóa đơn chứng từ đã lan rộng trên khắp các tổ chức; doanh nghiệp trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.

Chuẩn mực mới trong giao dịch thương mại quốc tế

Sử dụng hóa đơn điện tử thay thế cho hóa đơn giấy đã trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới. Ở Châu Âu- khu vực ứng dụng hóa đơn điện tử phổ biến nhất; một loạt các đạo luật được tạo ra nhằm thúc đẩy việc ứng dụng hóa đơn điện tử trong toàn Liên minh Châu Âu. Trên phạm vi thế giới; mặc dù việc áp dụng hóa đơn điện tử có lộ trình khác nhau; nhưng tất cả các chính phủ đều đã vạch ra kế hoạch số hóa thủ tục hành chính về thuế cho quốc gia mình. Điều này, một mặt tạo ra một chuẩn mực chung trong cải cách thủ tục hành chính về thuế trên toàn thế giới, thúc đẩy giao dịch thương mại B2B. Mặt khác, sẽ tạo ra rào cản đối với những tổ chức, doanh nghiệp “chậm chân” trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kĩ thuật cho phù hợp với làn sóng mới của thời đại.

Việt Nam với hơn 600.000 doanh nghiệp hiện đã chuẩn bị đến đâu để đón nhận làn sóng này?

Rộng đường triển khai hóa đơn điện tử tại Việt Nam

Để triển khai được hóa đơn điện tử cần hai điều kiện cơ bản: chính sách của Chính phủ và nền tảng CNTT.

Điều kiện thứ nhất:

Hóa đơn điện tử có giá trị pháp lý như hóa đơn giấy, đã được Bộ Tài chính chấp nhận và được quy định tại Thông tư 32/2011/TT-BTC về việc hướng dẫn khởi tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn điện tử bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ và Thông tư số 64/2013/TT- BTC ngày 15/05/2013 hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP qui định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (thay thế Thông tư 153/2010/TT- BTC ).

Về điều kiện thứ hai

Hạ tầng CNTT Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng trong thời gian qua. Một số doanh nghiệp chủ đạo hoạt động trong lĩnh vực CNTT đã nhanh nhạy nắm bắt xu hướng hóa đơn điện tử để cung cấp dịch vụ mới mẻ này ra thị trường.

Như vậy, mọi điều kiện về chính sách, công nghệ để áp dụng hóa đơn điện tử tại Việt Nam đã dần hình thành và chắc chắn sẽ ngày càng được củng cố mạnh mẽ. Đầu tư khởi tạo và phát hành hóa đơn điện tử đòi hỏi chi phí ban đầu cao hơn so với doanh nghiệp tự in hóa đơn giấy, tuy nhiên, về lâu dài, hóa đơn điện tử sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí phát hành, chi phí giao dịch hóa đơn, tăng hiệu quả quản lý, đơn giản hóa quá trình trao đổi dữ liệu về thuế …

Theo lộ trình của cơ quan thuế, sau 3-5 năm nữa sẽ mở rộng hóa đơn điện tử tới 50% doanh nghiệp trên cả nước và trong 3-5 năm tiếp theo sẽ mở rộng triển khai hóa đơn điện tử đến 100% doanh nghiệp. Đây là cơ hội để Chính phủ và doanh nghiệp tạo ra bước thay đổi triệt để trong cải cách thủ tục hành chính, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp. Thời điểm này, nếu còn chần chừ trước những cải tiến công nghệ, doanh nghiệp Việt sẽ lỡ mất một lợi thế cạnh tranh quan trọng trong thời đại số hóa giao dịch thương mại toàn cầu.

(Nguồn: Internet)

Bài liên quan